Động lực tăng trưởng từ sản xuất công nghiệp

Tiếp tục đà tăng từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước với giá trị tăng thêm ước đạt 9,59% so với cùng kỳ năm 2023, là mức gần cao nhất trong giai đoạn từ năm 2012 trở lại đây (chỉ sau mức tăng 9,93% của quý III/2017).



Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,34% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, phát huy tốt vai trò động lực tăng trưởng.



Theo các chuyên gia, kết quả tích cực của sản xuất công nghiệp một phần đến từ thị trường xuất khẩu đang trên đà khởi sắc, các nhà sản xuất nhận thêm nhiều đơn hàng mới cho những tháng cuối năm. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã phục hồi mạnh mẽ nhờ nhu cầu quốc tế tăng sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện, giúp ngành lấy lại vai trò động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024.



Tăng trưởng trên diện rộng



Sau bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ, nhiều ngành công nghiệp như khai khoáng hay sản xuất, phân phối điện chịu thiệt hại nặng nề, nhưng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo không bị ảnh hưởng nhiều nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm khắc phục nhanh sự cố mất điện, sớm phục hồi cung cấp điện cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã có phương án chủ động phòng chống bão, khắc phục thiệt hại sau bão và tổ chức lại sản xuất, tăng ca để bù lượng thành phẩm bị hỏng do bão, khắc phục thời gian dừng sản xuất, bảo đảm tiến độ giao hàng theo đúng các hợp đồng đã ký kết.



Nhiều yếu tố tích cực khác cũng tạo động lực cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như các doanh nghiệp ngành may, da giày đã tận dụng tốt lợi thế từ thị trường nước ngoài; các doanh nghiệp điện, điện tử tăng khối lượng sản xuất do có nhiều đơn hàng xuất khẩu;… Tất cả những yếu tố này đã giúp công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thể hiện rõ vai trò là động lực chính cho tăng trưởng trong quý III, bù đắp sụt giảm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.



Theo Bộ Công thương, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng tăng tới 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,6%). Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm ngày 30/9 tăng 5,2% so với cùng thời điểm tháng trước và chỉ tăng 8,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng tới 19,4%).



Đồng thời, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2024 là 76,8% (mức bình quân 9 tháng năm 2023 là 85,3%), thể hiện sự phục hồi tích cực của sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất công nghiệp cũng tăng trên diện rộng khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đã tăng ở 60/63 địa phương. Một số địa phương có IIP tăng khá cao ở mức hai con số nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện (IIP của Lai Châu tăng 43,3%; Trà Vinh tăng 41,9%; Phú Thọ tăng 38,7%; Khánh Hòa tăng 36,4%; Bắc Giang tăng 27,7%; Sơn La tăng 27,3%; Thanh Hóa tăng 20,4%;...).


Bình luận