Cẩm nang du lịch: Bình Liêu

Là một huyện miền núi phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270 km. Nơi đây có khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, được ví như một "Sa Pa thu nhỏ".



Bình Liêu mùa nào đẹp



Mỗi mùa, nơi đây có một điểm lý thú riêng thu hút du khách. Vào mùa xuân, khách du lịch sẽ có dịp tham gia các lễ hội đặc sắc như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng Cọ giao duyên, ngày "kiêng gió"... hay ngắm phong hương lá đỏ.



Mùa hè có thác nước cuồn cuộn trong khi ruộng bậc thang xanh mướt mắt. Mùa thu, những đồng cỏ lau dọc hai bên đường lên cột mốc cùng trổ bông thu hút rất đông du khách. Vào mùa đông, nếu may mắn du khách còn có thể tận mắt thấy băng giá. Cuối năm là mùa thu hoạch và dịp lễ hội hoa sở, lễ mừng cơm mới.



Homestay



Dịch vụ lưu trú ở Bình Liêu không có nhiều lựa chọn. Bạn có thể ở một số homestay bản địa như A Dào, A Píu, Hoàng Sằn, Sông Moóc... giá từ 50.000 đồng một đêm với hình thức ngủ phòng tập thể, hoặc các nhà nghỉ bình dân từ khoảng 200.000 đồng đến 400.000 đồng một đêm.



Đường đi Bình Liêu



Phượt thủ đến Bình Liêu nếu đi xe máy cần theo lộ trình Hà Nội - Quốc lộ 1 - Quốc lộ 18 - Quế Võ (Bắc Ninh) - Phả Lại - Sao Đỏ - Đông Triều (Quảng Ninh) - Uông Bí - Hạ Long - Cầu Bãi Cháy - Cẩm Phả - Cửa Ông - Mông Dương - Tiên Yên - Ngã 3 Tiên Yên rẽ trái sang Quốc lộ 18C, đi về hướng Hoành Mô thêm chừng 28 km là đến nơi.



Nếu bạn đi bằng ôtô, theo hướng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, đi tiếp theo hướng Quốc lộ 18 và 18C là đến nơi.



Bạn nên đi ôtô riêng hoặc xe khách đến Bình Liêu (giá khoảng 180.000 đồng/lượt) rồi thuê xe máy (200.000 đồng/ngày), để đảm bảo sức khỏe và di chuyển thuận lợi.



Trải nghiệm



Mốc biên giới



Cung đường tuần tra biên giới phía tây Bình Liêu sẽ mê hoặc các phượt thủ. Nằm trên độ cao 700 m so với mực nước biển, đường không quá lắt léo khó đi mà còn băng qua núi non trùng điệp, những cánh đồng thơ mộng để bạn chiêm ngưỡng phong cảnh nên thơ.



Là vùng biên giới có gần 50 km đường biên giáp với Trung Quốc nên ở Bình Liêu, bạn nên thuê xe máy hoặc đi bộ men theo đường mòn đồi núi để chinh phục các cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bốn cột mốc chính không nên bỏ qua gồm cột mốc 1300, 1302, 1305 và 1327.



Sau khoảng một tiếng chạy từ thị trấn Bình Liêu về hướng Hoành Mô trên QL18C, rẽ phải vào bản Ngàn Chuồng rồi rẽ trái theo hướng mốc 61 chừng 8km là đến mốc 1300, 1302.



Tiếp đó là hành trình chinh phục mốc 1305, cột mốc nằm ở đỉnh núi cao nhất ở huyện Bình Liêu. Từ cột mốc 1302 chạy tiếp 9 km nữa sẽ đến con đường mòn nằm giữa núi mang biệt danh "sống lưng khủng long".



Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, đi trên "sống lưng khủng long" ngập cỏ tranh, bạn cũng được phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu và cảm nhận mình thật nhỏ bé giữa đất trời bao la. Trekking băng qua nơi này trong ít nhất 2 tiếng nếu thời tiết tốt, bạn sẽ đến cột mốc 1305.



Với cột mốc 1327 thuộc bản Phạt Chỉ xã Đồng Văn, bạn có thể hỏi bộ đội biên phòng để nắm rõ lộ trình hơn. Trên đường đến cột mốc 1327, bạn sẽ đi qua thêm nhiều cột mốc khác.



Chinh phục đỉnh Cao Xiêm



Đỉnh Cao Xiêm còn gọi là đỉnh Khau Khoang hoặc Cột Cờ, là điểm du lịch thuộc địa bàn huyện vùng biên Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Với độ cao 1.429 m so với mực nước biển, Cao Xiêm còn được mệnh danh là "nóc nhà" của tỉnh Quảng Ninh.



Cung đường từ chân núi lên đỉnh Cao Xiêm dài khoảng hơn 7 km nên có thể kết hợp vừa leo núi vừa cắm trại dã ngoại trong ngày. Đường đi chủ yếu là lối mòn men theo sườn núi với nhiều núi đá mấp mô và băng qua những đồi cỏ bao la.



Săn mây trên đỉnh Cao Ly



Cao Ly là dãy núi cao trải dài với diện tích trên 40 km2 với 8 đỉnh cao hơn 1.000 m thuộc huyện biên giới Bình Liêu. Núi Cao Ly còn gọi là núi Cô Đơn cách trung tâm xã Húc Động hơn 10 km là một điểm cắm trại, dã ngoại phù hợp cho các nhóm bạn trẻ, hoặc gia đình nhỏ.



Nếu khoảng tháng 7-9, Cao Ly hấp dẫn du khách vì hoa mua nở nhuộm tím các vạt đồi thì đến cuối năm tháng 10 trở đi, nơi này lại là điểm săn biển mây lý tưởng. Điểm cắm trại cách đỉnh khoảng 30-40 phút leo bộ, xe máy và ôtô cá nhân có thể tới tận điểm trại.



Thác Khe Vằn



Trong thời gian khám phá núi Cao Ly, du khách di chuyển thêm 15, kết hợp tham quan thác Khe Vằn có 3 tầng và là thác nước cao nhất tỉnh Quảng Ninh. Nếu đi từ thị trấn Bình Liêu, bạn hỏi đường vào xã Húc Động để đến Thác Khe Vằn, bạn sẽ được ngắm ba tầng thác tuyệt đẹp ở nơi từng là chốn hẹn hò của trai gái Sán Chỉ.



Thác Khe Vằn thuộc xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 100 km và cách trung tâm thị trấn Bình Liêu khoảng 12 km về hướng đông nam.



Thác nước cao gần 100 m được chia thành 3 tầng rõ rệt, mỗi tầng thác lại mang một vẻ đẹp khác nhau.



Tầng thác đầu tiên đón chào du khách bởi một không gian rộng lớn, chính giữa có một tảng đá nhô lên tựa như một con voi đang trong thế phủ phục, xung quanh là hàng trăm những khối đá to nhỏ.



Lên đến tầng thứ hai của thác nước, du khách sẽ thấy dòng nước đổ xuống được chia làm hai, một bên to, một bên nhỏ ấn tượng. Cuối cùng, khi đã chinh phục được đến tầng cao nhất của thác nước, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên.



Chợ phiên vùng cao



Cuối tuần ghé Bình Liêu, du khách có cơ hội dạo chơi chợ phiên ở trung tâm thị trấn hay chợ xã Đồng Văn. Chợ họp vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, bà con khắp thôn bản từ những xã huyện lân cận cũng mang hàng hóa, nông lâm sản về chợ trao đổi buôn bán.



Nhiều mặt hàng đặc trưng chỉ có ở chợ phiên như lá tắm, dược liệu chữa bệnh của đồng bào dân tộc, mật ong rừng, măng rừng... Người dân tới chợ mua bán, ăn uống từ sáng tới chiều muộn nhưng đông đúc nhất là từ 10h sáng trở đi, xe để kín bãi và hàng hóa bày khắp lối.



Tìm hiểu văn hóa



Bình Liêu có trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là người Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa... Du khách tới Bình Liêu sẽ được đắm mình trong văn hóa, bản sắc của người dân nơi đây.



Trong đó, một nhánh dân tộc Dao là đồng bào Dao Thanh Phán luôn nổi bật với trang phục nhiều họa tiết và màu đỏ làm chủ đạo. Người Dao Thanh Phán quan niệm, họ sống ở vùng núi cao nên cần mặc đồ rực rỡ sắc màu, để thú dữ tránh đi.



Ngoài ra, tùy vào lịch trình cá nhân, bạn còn có thể đỉnh Quảng Nam Châu, núi Kéo Lạn, núi Cao Ba Lanh... hay ghé thăm đình Lục Nà thờ Thành Hoàng làng cùng những anh hùng cách mạng để nghe sự tích cây tre mọc ngược và chiêm ngưỡng ngôi đình đậm nét cổ kính với 5 gian, tường gạch, mái lợp ngói âm dương.



Đặc sản



Bạn nhớ đừng bỏ qua các món ngon đặc trưng của vùng này như xôi 7 màu, bánh coóc mò, bánh gật gù, bánh ngải, tài lồng ệp miến dong, cá suối nướng, măng rừng xào...





Theo VnExpress


Bình luận