Tin Nhanh:
Thứ hai, ngày 25 Tháng 11 2024 - 11:30:19
Bình Định là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, với 134 km đường bờ biển, giáp Gia Lai, Quảng Ngãi và Phú Yên.
Thủ phủ của tỉnh là thành phố Quy Nhơn, cách Hà Nội khoảng 1.070 km, thành phố Đà Nẵng 320 km về phía bắc và cách TP HCM 650 km về phía nam. Ngoài ra, Bình Định còn có thị xã An Nhơn và 9 huyện gồm Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Tây Sơn, Vân Canh và Vĩnh Thạnh.
Nhiệt độ trung bình toàn tỉnh khoảng 27 độ C, trong đó nhiệt độ thấp nhất khoảng 20 độ C ở vùng núi và cao nguyên, vùng biển có nhiệt độ cao nhất khoảng 35-36 độ C.
Mùa mưa tại Bình Định bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12, riêng khu vực miền núi thường có mưa từ tháng 5 đến 8, do ảnh hưởng của mùa mưa Tây Nguyên. Mùa khô kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8, trong đó những tháng hè nắng nhưng không oi bức, ít bị ảnh hưởng mưa bão nên thích hợp để du lịch.
Có thể dễ dàng di chuyển từ nhiều nơi trong nước đến Bình Định bằng đường hàng không, đường bộ và đường sắt. Bình Định có cảng biển Quy Nhơn là nơi giao nhận hàng hóa, không dành cho tàu du lịch tham gia giao thông đường biển.
Sân bay Phù Cát, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 35 km, tiếp nhận các chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM của các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Giá vé khứ hồi dao động từ 2,5 triệu đồng đến 8 triệu đồng tùy điểm xuất phát, hãng và loại vé.
Quốc lộ 1A qua tỉnh Bình Định dài 118 km. Ngoài ra trong tỉnh còn có Quốc lộ 1D dài 20,7 km nối thành phố Quy Nhơn với huyện sông Cầu (Phú Yên). Quốc lộ 19C nằm ở phía tây. Các tuyến đường đều rộng và đẹp, thuận tiện cho di chuyển. Bến xe Quy Nhơn nằm trên đường Tây Sơn (QL1A) là điểm dừng của các nhà xe chạy tuyến Quy Nhơn từ Bắc và Nam.
Tàu Thống Nhất dừng ở ga Diêu Trì, huyện Tuy Phước, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn gần 10 km. Giá vé khứ hồi (từ Hà Nội và TP HCM) dao động 850.000 đồng đến 2,6 triệu đồng, phụ thuộc vào điểm xuất phát, loại tàu và loại giường (ghế).
Trong thành phố Quy Nhơn, du khách thuê xe máy với giá 100.000 đến 150.000 đồng một ngày hoặc thuê taxi, ôtô để tới những điểm xa hơn. Nếu chỉ đi lại trong các phố trung tâm nhưng nhóm đông khoảng 10 người, có thể chọn xe điện.
Bình Định có số lượng homestay, nhà nghỉ, khách sạn, resort lớn, đặc biệt phát triển mạnh trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, chủ yếu tập trung ở Quy Nhơn và vùng lân cận.
Nếu đi nghỉ dưỡng, du khách thường chọn các khu resort như Anantara Quy Nhon Villas, Avani Quy Nhon resort & spa, Maia resort Quy Nhon, Casa Marina resort, Crown Retreat Quy Nhon, FLC resort Quy Nhon. Giá phòng dao động từ 2 triệu đến khoảng 8 triệu đồng một đêm. Những nơi này nằm xa trung tâm thành phố.
Quy Nhơn có nhiều khách sạn lớn trong phố như Mường Thanh, Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, FLC City Hotel, FLC Sea Tower, TMS Quy Nhon Apartment, L'amor Boutique Hotel, Fleur De Lys Hotel Quy Nhon, Hoang Yen Hotel, Phuong Anh Hotel có giá từ khoảng 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng một phòng đôi. Ngoài ra, còn có nhiều khách sạn nhỏ hay nhà nghỉ, giá dưới 500.000 đồng một đêm.
Các homestay dọc biển cũng có số lượng lớn, chủ yếu dành cho khách nước ngoài đi "bụi" hay các nhóm bạn trẻ Việt. Một số khu nổi bật ở bãi Xếp (cách Quy Nhơn 13 km) như Life's beach, The Hidden Jewel, Mira Bãi Xếp, Haven Vietnam, Banana Sea Homestay. Tại làng chài Nhơn Lý (cách Quy Nhơn 20 km), du khách có thể chọn Chài Village, La Beach House, Mộc Homestay, Coco Jambo.
Quy Nhơn là "trái tim" của Bình Định, là điểm đến thu hút đông khách mỗi mùa du lịch hằng năm, di chuyển thuận tiện. Quy Nhơn nổi tiếng với đường bờ biển dài, nước xanh, cát mịn, bãi biển thoai thoải. Nơi đây còn có một lượng lớn khu lưu trú với đủ phân khúc từ bình dân đến cao cấp. Đồ ăn tại Quy Nhơn ngon, nhiều món "độc quyền" như bánh hỏi lòng heo, bánh xèo tôm nhảy, chả ram, bánh ít lá gai.
Lượng khách đến Quy Nhơn tăng khoảng 10 lần trong 15 năm qua, là điểm đến mới nổi của khách trong và ngoài nước.
Nằm cách thành phố Quy Nhơn 8 km về phía đông bắc, Thị Nại là đầm lớn nhất Bình Định. Đầm có diện tích trên 5.000 ha mặt nước, chạy dài hơn 10 km. Nơi đây có nguồn tài nguyên quý, đa dạng về sinh học với hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú. Trong lịch sử, đầm Thị Nại là căn cứ thuỷ quân của nhà Tây Sơn, nơi diễn ra những trận thuỷ chiến giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh đầu thế kỷ 19.
Cầu Thị Nại có chiều dài gần 2.500 m, từng là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam trước khi cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) có chiều dài hơn 5.400 m khánh thành. Cầu Thị Nại nối liền thành phố Quy Nhơn và khu kinh tế Nhơn Hội, là một điểm nhấn cho du khách khi đến Bình Định.
Eo Gió thuộc xã đảo Nhơn Lý, là eo biển hình vòng cung, liền kề những núi đá cao. Đây là một trong những nơi có cảnh hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam. Cái tên Eo Gió được người dân gọi từ khá lâu, xuất phát từ vị trí địa lý. Eo Gió luôn đón gió từ biển thổi vào rất mạnh, kèm những đợt sóng dâng cao, tạo nên những khe rãnh xẻ ngang đồi núi, hình thành các vách núi. Từ đỉnh Eo Gió, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, toàn bộ quang cảnh xã đảo Nhơn Lý. Giá vé tham quan là 25.000 đồng một người một lượt.
Bãi Kỳ Co cũng thuộc xã Nhơn Lý, cách thành phố khoảng 25 km về phía đông bắc. Nhờ một mặt giáp biển, ba mặt đồi núi bao quanh, cảnh quan ở đây "sơn thủy hữu tình". Nước biển Kỳ Co xanh và trong. Từ khoảng tháng 4 đến tháng 9, trời đẹp, kín gió là lúc thích hợp nhất để đến đây. Để tới bãi Kỳ Co, cano cao tốc là phương tiện di chuyển thuận tiện nhất. Thông thường, du khách sẽ mua tour trọn gói trong ngày, bao gồm một bữa ăn trưa và đồ uống, vé vào Kỳ Co với giá tour từ 350.000 đến 400.000 đồng một người.
Du khách cũng có thể tới Kỳ Co bằng đường bộ, theo con đường vòng quanh núi để tới bãi biển, bắt đầu từ cầu Suối Cả, dọc sườn núi Phương Mai về hướng nam. Tuy nhiên, chặng này chỉ thích hợp với người có tay lái vững và nên đi theo nhóm để hỗ trợ nhau.
Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 phút di chuyển bằng cano, Cù Lao Xanh (đảo Vân Phi) nằm ngoài khơi vịnh Xuân Đài, giao giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Có diện tích 365 ha, dân cư thưa thớt, Cù Lao Xanh được xem là một trong những đảo đẹp nhất miền Trung. Nước biển xanh và sạch, chưa nhiều khách du lịch. Người dân ở đây chủ yếu sống trong làng chài ở bờ nam. Phía bắc đảo là những dãy núi với nhiều hình thù lạ mắt. Đến Cù Lao Xanh nên chọn mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 9) khi trời nắng đẹp, biển lặng, nước trong xanh.
Du khách tới bến tàu Hàm Tử nằm trong trung tâm TP Quy Nhơn, gửi xe và lên cano ra đảo. Thời gian khoảng 30-40 phút. Cù Lao Xanh có các homestay với giá trung bình 150.000 đồng đến 200.000 đồng một người một đêm.
Hòn Sẹo là một trong những hòn đảo đẹp nhất của bán đảo Phương Mai, thuộc xã Nhơn Lý, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 15 km và cách đất liền khoảng 5 km. Nơi này không có bãi cát trải dài, lớn như ở những bãi biển khác, thay vào đó là vô số các khối đá lớn nhỏ nằm ngổn ngang trên mặt biển hoang sơ và đẹp. Ở đây chưa phát triển dịch vụ tàu cao tốc hay ca nô đưa đón du khách. Bạn chỉ có thể đi thuyền của ngư dân với giá vé khoảng 50.000 đồng một người.
Đề Gi thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, cách thành phố Quy Nhơn 50 km. Được gọi là "nàng công chúa ngủ quên", Đề Gi hoang sơ, vắng người, bãi biển xanh, cát trắng và sinh vật biển phong phú. Đi sâu vào trong, Đề Gi sôi động hơn với những chuyến tàu chở cá đi các tỉnh lân cận. Nhiều năm nay, Đề Gi nổi tiếng khi cá voi xuất hiện liên tục, nhờ môi trường biển, nhiệt độ phù hợp và nhiều nguồn thức ăn.
Tour Đề Gi - Vũng Bồi được nhiều trekker ưa thích bởi lịch trình khám phá độc đáo, được hoà mình vào thiên nhiên và trải nghiệm cảm giác bình yên. Khách chủ yếu là dân địa phương hoặc ở một số khu vực lân cận về "đổi gió". Trung bình mỗi tour từ 10 đến 20 người, giá từ 550.000 đến 1 triệu đồng một người trọn gói dịch vụ. Mùa đẹp nhất ở đây là tháng 3-4 hoặc tháng 8-10 hằng năm.
Cách thành phố Quy Nhơn gần 100 km về phía bắc, thị trấn Tam Quan thuộc huyện Hoài Nhơn là nơi có những hàng dừa bạt ngàn và các điểm du lịch như gành đá Lộ Diêu, gành đá Hoài Hải, hang Yến, hồ Mỹ Bình. Đến Hoài Nhơn, đừng quên thưởng thức những đặc sản như mè xửng, bánh đúc Hoài Thanh, nem chả Bồng Sơn, bánh xèo Hoài Đức.
Muốn đến thị trấn Tam Quan, từ Quy Nhơn, du khách di chuyển theo Quốc lộ 1A qua huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ rồi đến Hoài Nhơn. Từ sân bay Phù Cát, du khách có thể đặt tour hoặc tự đi với các loại phương tiện như ô tô thuê chuyến, taxi, khoảng cách 80 km. Giá taxi một chiều dao động 700.000 đồng đến 800.000 đồng.
Bình Định có nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc mang phong cách Chăm Pa. Trải qua hàng nghìn năm, hệ thống tháp này ở nhiều nơi vẫn còn gần như nguyên vẹn, mang vẻ trầm mặc và cổ kính. Sau Quảng Nam, Bình Định là nơi sở hữu nhiều tháp Chăm và phân bổ ở Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn.
Tháp Bánh Ít ở huyện Tuy Phước được xây dựng từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12 trên ngọn đồi và là khu di tích còn nhiều tháp Chăm nhất Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km. Tháp Cánh Tiên ở thị xã An Nhơn là kinh đô của vương quốc Chăm pa cổ. Công trình kiến trúc mang tính chất tôn giáo, lịch sử. Tháp Dương Long ở huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50 km, có chiều cao hơn 30 m, được trang trí hoa văn, họa tiết tinh xảo đặc trưng của người Chăm.
Thuộc thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, khu dã ngoại này là một trong những điểm đến yêu thích của giới trẻ. Nơi đây gồm nhiều khu vực như cắm trại, ngủ nhà lều, bãi tắm và chơi các trò dưới biển, nhà hàng, quán cà phê, cổng trời check-in. Được chăm chút trồng thêm cây cảnh và hoa kết hợp vị trí và phong cảnh đẹp vốn có của các núi đá, bãi biển xung quanh, khu dã ngoại rất hợp để du lịch theo nhóm bạn bè hoặc gia đình.
Giờ mở cửa 8h đến 20h hàng ngày. Vé vào cổng 40.000 đồng một người. Khách không được đem theo đồ ăn thức uống bên ngoài. Giá thuê lều đôi ngủ qua đêm khoảng 300.000 đồng.
Bảo tàng nằm ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, được xây dựng trên nền nhà cũ của anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ). Bảo tàng Quang Trung thờ và tưởng niệm anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, lưu giữ những hiện vật lịch sử, dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Bảo tàng Quang Trung là địa chỉ được các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước ghé thăm khi đến Bình Định.
Bảo tàng mở cửa hàng ngày từ 7h đến 11h30 và từ 13h30 đến 17h. Giá vé tham quan 30.000 đồng một người, miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, thương binh và người khuyết tật.
Khu du lịch thuộc huyện Tây Sơn, cách bảo tàng Quang Trung 5 km. Nơi đây được bao quanh bởi rừng nguyên sinh, không gian mát mẻ quanh năm. Đa số các du khách khi đến đây đều tự túc khám phá thiên nhiên như trekking xuyên rừng, xe đạp nước, chèo thuyền kayak.
Giá vé tham quan 20.000 đồng một người, miễn phí cho trẻ em dưới 1,2 m. Giá thuê thuyền: 100.000 đồng cho thuyền 4 khách, thuyền cá nhân 45.000 đồng.
Làng phong thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, nằm giữa thung lũng bên bờ biển. Ngôi làng là nơi an cư của khoảng 250 hộ với gần 500 bệnh nhân phong từ khắp cả nước. Mỗi người có một nỗi đau cả thể chất lẫn tinh thần. Giờ họ về đây sống cùng nhau vui vẻ.
Trước đây, làng bị xem là thế giới đau khổ nhưng vài năm gần đây, nhờ được đầu tư chăm sóc, ngôi làng có nhiều không gian đẹp, các góc sống ảo dành cho du khách và tạo được sự quan tâm của những người có lòng hảo tâm. Làng giữ lại được hầu hết nét kiến trúc Gothic từ thời Pháp, không có nhà xây mới hoặc cao tầng. Nằm khá tách biệt thành phố nên để tới đây, bạn sẽ phải đi qua hai con đèo nhỏ.
Bình Định là thiên đường ẩm thực với nhiều món ngon, hương vị không tìm được ở nơi khác.
Được làm từ bột gạo, bánh hỏi như một biến tấu khác của bún tươi nhưng nhiều sợi nhỏ xếp lên nhau, rưới chút dầu có lá hẹ xắt nhỏ. Khi gọi món, người bán sẽ đem ra đĩa bánh cùng với lòng heo gồm tim, gan, cật, dồi. Thực khách sẽ lấy một miếng bánh hỏi kẹp thêm lòng heo chấm chút nước mắm pha ớt và thưởng thức, ăn kèm rau sống. Một phần bánh hỏi đầy đủ còn có cháo. Cháo thường được nấu bằng huyết ninh với thịt nạc băm, vừa ngọt vừa thơm.
Bánh xèo tôm nhảy có các thành phần cơ bản như mọi loại bánh xèo khác như bột gạo, hành, giá. Sự khác biệt nằm ở cái tên gây tò mò, xuất phát từ hình ảnh những con tôm tươi nhảy tanh tách trên chảo dầu nóng. Bình Định là vùng biển nhưng bánh xèo tôm nhảy lại không sử dụng tôm biển mà là tôm đất nhỏ, có màu đỏ đẹp mắt và thịt săn chắc. Những con tôm đất còn sống sẽ được rửa sạch, loại bỏ phần râu và đuôi trước khi chế biến. Thường các quán bánh xèo tôm nhảy sẽ có thêm cả bánh xèo mực và bánh xèo bò.
Nguyên liệu để làm bánh ít lá gai gồm lá gai (loại lá một mặt xanh, một mặt trắng bạc, hơi thô nhám), bột nếp, dầu lạc, dừa và đậu xanh. Làm bánh phải qua nhiều công đoạn và người làm bánh cần khéo léo. Trước đây, bánh ít lá gai chỉ được làm trong các dịp cúng, giỗ để con cháu thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ, ông bà tổ tiên đã khuất, bởi làm tuy không tốn nhiều chi phí nhưng tốn công. Món bánh thành phẩm có vỏ đen, bao kín phần nhân, khi ăn thấy vị dẻo, mịn mà không dính răng. Bánh có vị ngọt của đường, thơm của nếp, béo của dầu, bùi của đậu.
Bánh hồng có hình dạng bên ngoài đơn giản và thành phần quen thuộc như gạo nếp, đường và dừa tươi. Khi thưởng thức bánh hồng, du khách có thể cảm nhận được hương vị thơm của nếp hòa quyện cùng độ giòn sật của dừa và ngọt nhẹ của đường. Bên cạnh đó độ kết dính của nếp như thể hiện tình cảm đôi lứa. Bánh hồng trước đây thường chỉ xuất hiện trong đám cưới, đám hỏi của người Bình Định nhưng nay đã phổ biến hơn.
Ngoài những món kể trên, đến Bình Định mà không ăn hải sản là một thiếu sót bởi hải sản ở đây tươi ngon, trong đó nổi bật là tôm hùm, cua huỳnh đế, các loại ốc. Các điểm mua hải sản trực tiếp có cảng cá Hàm Tử, chợ Đầm, chợ khu 2 Quy Nhơn, vựa Ông Giàu. Ngoài ra, còn có nhiều hàng hải sản trong trung tâm thành phố Quy Nhơn và các khu vực ven biển.
Bánh hồng và bánh ít lá gai là những đặc sản mà hầu như khách nào cũng mua về làm quà. Ngoài ra, còn một vài món ăn chơi và dễ làm quà khác du khách nên thử tại Bình Định như: tré, bánh tráng nước dừa, nem chợ Huyện, chả cá, mực ngào mắm đường.
Theo VnExpress
Bình luận