Tin Nhanh:
Thứ hai, ngày 25 Tháng 11 2024 - 10:49:30
27/10/2024
Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal VN" ngày 22.10 vừa qua. Sự hiện diện trực tiếp của Thủ tướng cùng 600 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến trong sự kiện đầu tiên có quy mô toàn quốc, lớn nhất về Halal, thể hiện quyết tâm chinh phục thị trường "khách sộp" đầy tiềm năng này.
Thời điểm then chốt
Không phải đến bây giờ VN mới tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp Halal. Theo ghi nhận của Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), các doanh nghiệp (DN) có tiềm lực tốt như Vinamilk, Bibica, Cholimex… đều có chứng nhận Halal và xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo từ nhiều năm nay. Trong đó, nổi bật là Vinamilk đã thành công chinh phục người tiêu dùng Trung Đông bằng những sản phẩm Halal chất lượng. Bắt đầu khai phá từ những năm 2000, đến nay Trung Đông đã trở thành thị trường chủ lực, đóng góp hơn 85% vào tổng doanh thu xuất khẩu của Vinamilk với những dòng sản phẩm trọng tâm như sữa bột, bột dinh dưỡng, sữa đặc… Bình quân, mỗi năm VN có 50 DN được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn chay.
Tuy nhiên, so với tiềm năng thì con số xuất khẩu của chúng ta vào thị trường Halal vẫn còn rất khiêm tốn. Hiện có hơn 2 tỉ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 25% dân số thế giới. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á (62%), nhất là trong khối ASEAN. Các nước có cộng đồng người Hồi giáo lớn đang mời gọi VN hợp tác sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chuẩn Halal khi nhu cầu ngày càng tăng. Thế nhưng VN chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường này. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý 3/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của VN sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN mới chỉ đạt trên 26,37 tỉ USD, trong đó lớn nhất là Indonesia với 10,18 tỉ USD.
TS Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, thừa nhận: Khái niệm "Halal" vẫn còn khá xa lạ với nhiều địa phương và DN Việt. Nhiều lần tiếp xúc với các địa phương để bàn bạc cơ hội phát triển ngành công nghiệp này, ông Trung nhận ra có những nơi còn rất mơ hồ, thậm chí chưa biết tới khái niệm Halal. Trong khi đó, đây là một thị trường có quy mô và tiềm năng rất lớn.
Theo TS Trung, đây không phải là vấn đề tôn giáo mà là một ngành kinh tế hướng tới đối tượng là nhóm người đặc biệt - người Hồi giáo. Nhóm người này đến từ khu vực Bắc Phi, Trung Đông và một số nước Đông Nam Á; khu vực dân số lớn, nhu cầu về hàng hóa, du lịch đều rất nhiều. Đặc biệt, đây còn là nhóm đối tượng có thu nhập tương đối khá, nhiều người giàu có. Vì thế, xét về mọi khía cạnh từ thực phẩm tới đồ dùng, thời trang, du lịch… thì đây là thị trường có tiềm năng rất lớn. Trên thế giới, ngay cả một số nước không phải quốc gia Hồi giáo như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc cũng dành sự quan tâm và tập trung phát triển ngành công nghiệp Halal từ rất sớm. VN dù đặt vấn đề từ nhiều năm trước nhưng đến nay cũng mới chỉ dừng ở bước sơ khai.
"Tuy vậy, chúng ta cũng có nhiều lợi thế như quy mô nền kinh tế ngày càng mở; tiềm năng về nông nghiệp; môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời là điểm đến hấp dẫn, mới lạ với khách Trung Đông, Tây Á, Nam Á, cộng thêm chi phí tương đối rẻ… Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal VN đến năm 2030", đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal VN bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện... Đây là bước đi hoàn thiện cơ sở pháp lý, đánh dấu thời điểm thích hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp Halal phát triển tại VN", TS Nguyễn Xuân Trung nhìn nhận.
Đồng tình, TS Mohamed Jinna, Chủ tịch Cơ quan Chứng nhận Halal Ấn Độ, đánh giá cơ hội thú vị đối với VN nằm ở du lịch Halal. Khi thị trường du lịch Hồi giáo tiếp tục tăng trưởng, dự kiến đạt 300 tỉ USD vào năm 2026, VN có tiềm năng to lớn để trở thành điểm đến hàng đầu cho khách du lịch Hồi giáo. Do đó, đây là thời điểm then chốt, thời điểm đòi hỏi sự hợp tác, đổi mới và cam kết không ngừng trong ngành Halal. Hợp tác sẽ tạo cơ hội cho VN dẫn đầu trong thương mại và đầu tư Halal, hưởng lợi từ tiềm năng to lớn của thị trường năng động này.
Rộng cửa đón khách sộp
Đúng như nhận định của TS Mohamed Jinna, từ sau dịch Covid-19, VN đang trở thành điểm đến yêu thích của các du khách Hồi giáo. Thống kê của Cục Du lịch quốc gia cho thấy khách Halal đến VN chủ yếu từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, các nước Trung Đông. Tổng lượng khách từ các thị trường này trong năm 2023 đạt khoảng 1,5 triệu lượt, chiếm gần 12% trong 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến VN. Từ đầu năm 2024 đến nay, đây cũng là những quốc gia luôn góp mặt trong top 10 thị trường đưa khách tăng trưởng mạnh nhất của VN.
Trong đó, TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên và dẫn đầu về năng lực phục vụ khách Halal. TP có những khu vực chuyên kinh doanh các dịch vụ Halal, hình thành cách đây hơn 20 năm. Đơn cử đường Nguyễn An Ninh đối diện cửa Tây chợ Bến Thành, dài hơn 100 m, được gọi là "Saigon Halal street". Quanh khu vực chợ Bến Thành cũng có các đường Thủ Khoa Huân, Trương Định quy tụ nhà hàng, quán ăn, cửa hàng trang phục Hồi giáo, thu hút du khách từ các nước theo đạo Hồi đến thưởng thức ẩm thực và mua sắm. TP.HCM hiện có 14 thánh đường Hồi giáo, trong đó 4 thánh đường nằm ở khu vực trung tâm Q.1, Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận và Q.5 tiện đường cho khách du lịch đến cầu nguyện. Xung quanh các nhà thờ Hồi giáo thường có các nhà hàng, quán ăn phục vụ món Halal.
Dù chưa có chương trình đón khách theo từng tôn giáo riêng lẻ, nhưng lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM khẳng định ngành du lịch đã xác định các thị trường mục tiêu gồm Âu - Mỹ, Úc, Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Tây Á và Ấn Độ. Trong đó, khách Ấn Độ, bao gồm một phần không nhỏ là người Hồi giáo, là một trong những thị trường trọng tâm. Ngành du lịch TP sẽ khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, đơn vị dịch vụ… cần hướng đến các bếp ăn Halal (tiêu chuẩn riêng của người Hồi giáo) để phục vụ nguồn khách đặc biệt này.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tại TP.HCM hiện cũng là sân bay duy nhất trên cả nước có phòng chờ thương gia cho khách Hồi giáo. Với diện tích sàn 300 m2, công suất phục vụ giới hạn 70 khách, phòng chờ tên Jasmine được khai trương cuối năm 2022, tuân thủ những yêu cầu về vệ sinh Halal của đạo luật Hồi giáo và tiêu chuẩn Halal của Malaysia MS1500-2019. Jasmine còn có 2 phòng cầu nguyện riêng biệt dành cho nam và nữ, đảm bảo không gian tôn nghiêm cho việc hành lễ và cầu nguyện của hành khách.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) nhận định thời điểm sau đại dịch, thị trường khách quốc tế hồi phục chậm, đòi hỏi các DN phải mở rộng thị trường, tìm thêm nhiều thị trường ngách để phục vụ trọn vẹn nhu cầu của hành khách. Khi đó, một số hãng hàng không lớn 5 sao thường xuyên khai thác các đường bay thương mại với VN như Qatar Airways, Emirates, Malaysia Airlines… mang theo một tệp khách Hồi giáo khá lớn, và họ có nhu cầu tìm kiếm những dịch vụ riêng đáp ứng yêu cầu về tôn giáo, tín ngưỡng. Tệp khách này không quá đông nhưng đều là đối tượng có mức chi trả cao, sẵn sàng chi mạnh tay cho các dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu. Vì thế, SASCO đã nhanh chóng triển khai kế hoạch xây dựng phòng chờ riêng cho đối tượng này.
"Không chỉ khách Hồi giáo, các đối tượng khách lẻ khác có nhu cầu trải nghiệm ẩm thực, khám phá văn hóa đạo Hồi hay đơn giản là muốn tìm không gian nhẹ nhàng, yên tĩnh, khác với các phòng chờ đông đúc khác, đều có thể mua vé vào thoải mái. Do đó, phòng chờ đến nay vẫn hoạt động hiệu quả", đại diện SASCO thông tin thêm.
Lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất cũng đánh giá thị trường khách Hồi giáo rất tiềm năng. Hầu hết các hãng hàng không 5 sao lớn trên thế giới đang bay tới VN đều xuất phát từ khu vực khách theo đạo Hồi. Tiềm lực kinh tế của các nước này rất tốt, có nhiều tỉ phú, triệu phú, người có thu nhập cao và chịu chi. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều tỉ phú khu vực Trung Đông, Nam Á đã tới VN để tổ chức các lễ cưới xa hoa. Du lịch VN cũng đang theo khuynh hướng phát triển đẳng cấp, ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Do đó, nếu có thể mở rộng thị trường công nghiệp Halal, xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất từ di chuyển tới lưu trú, ẩm thực chuẩn Halal thì VN sẽ rộng cửa đón được dòng "khách sộp" chất lượng này.
Cần chính sách khuyến khích DN, thúc đẩy hàng không
Tiềm năng là có, nhưng để tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi giá trị này không hề đơn giản. Để mở được Jasmine, SASCO đã trải qua quá trình đánh giá và được Công ty Tư vấn - huấn luyện Halal Malaysia (MHCT) trao chứng nhận Halal theo tiêu chuẩn của Tổ chức Liên minh Halal quốc tế. Nguồn nhân sự phải đảm bảo chất lượng đạt chuẩn tham gia trong toàn bộ khâu vận hành và chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất, thu mua nguyên liệu, vận chuyển đến tổ chức và phục vụ. Hơn 230 nhân viên của công ty đã phải tham gia khóa học lấy chứng chỉ, 14 nhân viên được nhận chứng chỉ Đánh giá viên nội bộ Halal và 2 cán bộ nhận chứng chỉ giảng dạy Halal… Đến nay, công tác huấn luyện, cấp chứng chỉ vẫn đang duy trì theo định kỳ. Chưa kể nguồn thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn Halal chắc chắn sẽ có giá thành cao hơn so với thực phẩm thông thường. Đây là một trong những thách thức mà các DN du lịch, dịch vụ, sản xuất phải đối mặt khi muốn chuyển đổi đón dòng khách Halal.
TS Nguyễn Xuân Trung lưu ý người Hồi giáo có tiêu chuẩn khác biệt, nên muốn thâm nhập thị trường này để khai thác được tiềm năng thì phải tuân thủ tuyệt đối các tiêu chí của họ. Sản phẩm phải theo tiêu chuẩn Hồi giáo, du lịch cũng phải tuân thủ từng bước như chỗ nghỉ phải có phòng cầu nguyện; chỗ ăn, thực phẩm… mọi thứ phải theo tiêu chuẩn khá cầu kỳ. Đối với những DN không tập trung đón riêng dòng khách này mà kết hợp đa dạng đối tượng khách thì sẽ khá vất vả trong việc chuyển đổi. Vì thế, vấn đề là làm sao để các ngành, địa phương, DN hiểu rõ tiềm năng rất lớn của dòng thị trường này, từ đó thay đổi nhận thức, nghiên cứu điều chỉnh hệ thống sản phẩm và được hưởng lợi từ sự thay đổi này.
"Nếu dòng khách còn khiêm tốn mà việc đáp ứng yêu cầu khắt khe, khó khăn thì mọi công tác chuẩn bị đều không hiệu quả. Vì thế, để thúc đẩy ngành công nghiệp Halal phát triển, cần sự chung tay của các bộ, ngành. Chúng ta cần ban hành tiêu chuẩn, cấp phép cho các đơn vị có nhu cầu chuyển đổi tham gia hệ sinh thái công nghiệp Halal. Đồng thời có thêm chính sách khuyến khích DN, thúc đẩy hàng không kết nối các đường bay thẳng, du lịch xúc tiến thị trường, mở cơ hội đưa nhiều khách từ Bắc Phi, Trung Đông, Tây Á, Nam Á… tới VN. Trong đó bao gồm cả khách du lịch và khách tới tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác", TS Nguyễn Xuân Trung nhấn mạnh.
VN muốn đưa Halal thành "nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới" trong phát triển quan hệ với các nước. Đất nước coi Halal là "cơ hội vàng" để DN nâng cao năng lực sản xuất và tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Đồng thời, chủ trương phát triển ngành Halal trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa con người, giá trị về chung sống hòa bình, thể hiện sự đóng góp, trách nhiệm của VN để cùng xây dựng thế giới hòa bình, đa dạng, hài hòa và cùng phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Không nhanh chân sẽ mất cơ hội
Trên thế giới hiện nay, sản phẩm được cung ứng theo chuỗi, tính chuyên môn hóa rất cao, không nhà sản xuất nào ôm trọn được hết từ đầu vào tới đầu ra. Vì thế, chúng ta còn rất nhiều dư địa để gia nhập chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp Halal. Thị trường mở, chúng ta không nhanh chân sẽ bị Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc…và nhiều đối thủ giành hết cơ hội.
TS Nguyễn Xuân Trung
Theo Báo Thanh niên
Bình luận